Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển"
Ngày cập nhật 02/03/2023
(CTTĐT) - Sáng ngày 27/2, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội) đã diễn ra hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”. Hội thảo được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu ở các địa phương. Dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; cùng lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ phát biểu tại hội thảo
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ phát biểu tại hội thảo
 

Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế, tham dự hội thảo có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giao Tỉnh ủy Hoàng Khánh Hùng; cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố Huế.

Hội thảo tập trung vào hai nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Văn hóa con người Việt Nam – Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Ban Tổ chức đã nhận được 1 báo cáo trung tâm và 175 báo cáo tham luận của các cơ quan, tổ chức, các cá nhân nhà quản lý, nhà khoa học và những người trực tiếp làm công tác văn hóa nghệ thuật trong cả nước.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, từ yêu cầu thực hiện ba nguyên tắc "dân tộc hóa"; "đại chúng hóa"; "khoa học hóa" trong cuộc vận động văn hoá thời kỳ tiền khởi nghĩa, Ðảng ta đã bổ sung, phát triển thành những thuộc tính “nhân dân,” “nhân văn” và “dân chủ,” góp phần xử lý hài hòa nhiều mối quan hệ lớn, phức tạp trong thực tiễn phát triển văn hóa, con người hôm nay, như mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa xây và chống, giữa giữ gìn bản sắc dân tộc và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, giữa tính truyền thống và tính hiện đại, giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa.

“Càng nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng, tính chất đúng đắn của những luận điểm, nguyên tắc, đường lối của bản Đề cương, ngày nay, chúng ta càng thấy được sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế,” ông Nguyễn Xuân Thắng nêu vấn đề.

Hội thảo được xây dựng với mục tiêu huy động sự tham gia của các cơ quan tham mưu, quản lý văn hóa và các nhà nghiên cứu văn hóa, các trí thức, văn nghệ sĩ, những người thực hành văn hóa trong cả nước nhằm làm rõ các giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam; quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người hiện nay và trong tiến trình lịch sử; những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về vấn đề tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa đối với phát triển; hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người; chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hóa phát triển.

 

Tại hội thảo

 

Tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã trình bày tham luận với nội dung: Lan tỏa và phát huy giá trị văn hóa Huế trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, góp phần làm rõ việc vận dụng tư duy lý luận từ "Đề cương về văn hóa Việt Nam" trong điều kiện cụ thể của Thừa Thiên Huế.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, Thừa Thiên Huế là vùng đất đang lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phong phú, đa dạng, đặc sắc, nơi có hệ thống di sản vật thể với gần 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích kiến trúc tôn giáo...; cùng những giá trị di sản văn hóa phi vật thể phong phú, bao gồm các loại hình: âm nhạc dân giancung đình; trang phục, nếp sống, ẩm thực...; các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo đặc sắc và làng nghề truyền thống hình thành từ lâu đời. Thừa Thiên Huế còn là nơi có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, có hệ sinh thái, nguồn tài nguyên biển, đầm phá đa dạng. Từ những yếu tố về tự nhiên, xã hội, đã hình thành nên “bản sắc văn hoá Huế và đặc trưng con người Huế với những dấu ấn riêng. Đến nay, trải qua bao biến cố lịch sử và thăng trầm của dân tộc, Huế vẫn giữ được sự hài hòa giữa cổ kính với hiện đại, giữa những yếu tố nhân tạo với môi trường thiên nhiên.

Trên tiến trình xây dựng Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; tỉnh xác định, thực hành văn hóa Huế từ trong mỗi gia đình - nhà trường - xã hội, từ cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội, để Huế luôn gìn giữ những bản sắc văn hóa của mình nhưng vẫn tiếp thu những cái mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn, vừa làm giàu bản sắc văn hóa, vừa hội nhập một cách chủ động, tích cực.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, cho biết trong dòng chảy của văn hóa dân tộc Việt Nam, cũng như các địa phương khác, Thừa Thiên Huế đang đứng trước nhiều vấn đề của sự xâm nhập văn hóa từ bên ngoài, của mặt trái nền kinh tế thị trường kéo theo rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế luôn đề cao văn hóa dân tộc, có nhiều biện pháp đồng bộ, kịp thời để bảo vệ, gìn giữ và phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc; ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa mang nội dung không lành mạnh, nhất là qua mạng Internet. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ các hoạt động biểu diễn, phim ảnh sai pháp luật, lệch chuẩn, phản cảm và trái với thuần phong, mỹ tục truyền thống, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tốt đẹp của nhân dân. Tích cực tuyên truyền, lan tỏa những đức tính tốt đẹp của văn hóa Huế, con người Huế, làm giàu truyền thống và bản sắc văn hóa của vùng đất.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, nhấn mạnh bảo tồn và phát huy, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa có tác động tương hỗ lẫn nhau trong quá trình phát triển chung của xã hội. Dưới ánh sáng của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" và đường lối văn hóa của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những nỗ lực cao nhất và những lợi thế sẵn có của mình, đặc biệt là trong bối cảnh toàn tỉnh đang nỗ lực triển khai Nghị quyết số 54-TW/NQ của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên nền tảng bảo tồn di sản văn hóa và bản sắc văn hóa Huế, Huế đã và đang hành động theo hướng cân bằng và kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững để góp phần bảo vệ và lan tỏa, phát huy các giá trị của các di sản, nhất là di sản đã được UNESCO ghi danh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam.

Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 1.827.068
Truy cập hiện tại 26